Nếu chưa từng biết đến CAP437, thì có thể các bạn sẽ không biết những công trình offshore người ta thiết kế một sân bay trực thăng như thế nào cho an toàn và đúng theo các nghiên cứu từ trước đến nay. May mắn đối với Happy là trong quá trình làm việc, Happy được tham gia vào một số dự án thiết kế giàn khai thác, và có một số kiến thức hữu ích bên dưới để gửi đến các bạn. Hy vọng sau khi đọc xong bài viết này, các bạn có thêm một vài thông tin bổ ích cả về thiết kế đường ống, về thiết kế vùng an toàn trên sân bay trực thăng ngoài biển.
Hình 1: Offshore Helideck
Nội dung bài viết gồm:
Thiết kế vùng an toàn bay của trực thăng trên sàn sân bay ngoài biển (Obstacle Free Sector)
1. Không gian phía trên sàn sân bay
Hình 2: Obstacle Free Sector
D: đường kính của sàn sân bay (không bao gồm lưới an toàn safety net)
210 Degree Obstacle free sector: theo CAP437 được định nghĩa là vùng không gian mở rộng đến một khoảng cách cho phép trực thăng cất cánh và hạ cánh không bị cản trở, phù hợp với trực thăng mà sàn sân bay dự định được phục vụ, trong đó không cho phép bất kì một chướng ngại vật nào cao hơn sàn sân bay tồn tại…. Như vậy trong vùng không gian này, khi layout thiết bị hoặc đường ống các bạn lưu ý là không được để thiết bị hoặc đường ống cao hơn hoặc nằm trong khu vực sàn sân bay nhé!
150 degree limited obstacle sector: tại vùng này có một số điểm đặc biệt như sau:
Hình 3: 150 Degree Limited Obstacle Sector
+Vùng thứ nhất (màu xanh): Toàn bộ các chướng ngại vật có thể được đặt trong vùng này, nhưng không được cao hơn 25cm, hoặc 5cm với trường hợp đường kính D sàn sân bay nhỏ hơn hoặc bằng 16m.
+ Vùng thứ hai (màu đỏ): Các vật cản cao hơn 25cm có thể được đặt trong vùng này, nhưng không được xuyên ra khỏi không gian giới hạn 0.5D cao + 0.21D dài với độ dốc cao độ là 1:2.
+ Vùng thứ ba (không gian bên tay phải vùng thứ 2 và chạy dọc theo 2 trục đường phân chia): Trong không gian này được phép đặt các thiết bị tự do khi xét đến tính an toàn của sàn sân bay.
2. Không gian bên dưới sàn sân bay:
Vùng này là vùng 180 degree sector khi nhìn trên plan view của Hình 3. Không gian này được chia làm 2 vùng và được phân chia bời đường dốc 5:1 falling gradient (Hình 3) – đây là dạng một nửa hình chóp cụt có đường kính trên là độ dài của toàn phần kết cấu của sàn sân bay (bao gồm safety net) chạy dọc theo hình chữ “H” tại tâm sân bay.
Hình 4: Không Gian An Toàn Bên Dưới Sàn Sân Bay
+ Vùng cho phép có chướng ngại vật (Area in which rig structure is permitted in 180 degree sector): Không gian này cho phép sự tồn tại các chướng ngại vật như thiết bị, kết cấu, Đường ống…
+ Vùng không cho phép chướng ngại vật (No structure between these lines in 180 degree sector): Không gian này không cho phép tồn tại bất cứ chướng ngại vật nào từ thiết bị, kết cấu, đường ống …
Hiểu được các nguyên lý thiết kế trên, các bạn có thêm kiến thức để kiểm tra layout của công trình offshore có Helideck đã đúng hay chưa và có thể bố trí thiết bị hoặc đi ống trong những vùng hạn chế xung quanh sàn sân bay sao cho đúng và đảm bảo an toàn bay của helicopter.
Bài viết đến đây là kết thúc, chúc mọi người cuối tuần vui vẻ và vượt qua mùa dịch an toàn, hẹn gặp lại mọi người vào thứ 7 tuần tiếp theo!
Comentários